Liên kết website :

Đang online: 0
- Trong ngày: 0
- Trong tuần: 6
- Trong tháng: 20
- Tổng truy cập: 213.591
[ Đăng ngày: 30/01/2024 ]

Nghệ thuật đóng sách thủ công có gì hay?

Những cuốn sách bản đặc biệt, bản giới hạn được ra mắt vài năm trở lại đây khiến độc giả yêu thích sách “lạc lối” trước những thiết kế bìa và gáy sách đẹp đẽ, bắt mắt.

Thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu tỉ mỉ thổi hồn cho từng cuốn sách.

Không ít sách được làm hoàn toàn thủ công. Nghệ thuật đóng sách thủ công, bởi thế, cũng đang được nhiều độc giả quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

Làm nên “linh hồn” của một cuốn sách, chắc chắn phải là vẻ đẹp của nội dung, nhưng khi tác phẩm ấy trở nên quá nổi tiếng, rất được ưa thích, nhiều độc giả “si mê” tác phẩm lại tìm đến phần “linh hồn thứ hai” - vẻ đẹp của hình thức. Dẫu được tái bản nhiều lần, những tác phẩm kinh điển trong những "chiếc áo khoác" khác nhau vẫn cứ tìm được độc giả của riêng mình. Trong số đó, những phiên bản sách giới hạn độc đáo, một chiếc bìa sách được làm bằng tay có sức hấp dẫn đặc biệt.

Bộ sách “Việt Nam danh tác” của Nhã Nam đã được tái bản nhiều lần ở nhiều dạng phiên bản phục vụ nhu cầu đa dạng của độc giả, từ bìa mềm, bìa cứng cho đến bìa da thủ công. Những phiên bản bìa da thường chỉ có vài cuốn với giá không rẻ nhưng lập tức được bán hết ngay khi ra mắt, cho thấy sự quan tâm của độc giả Việt ngày nay với những tác phẩm văn chương được “thổi hồn” qua nghệ thuật đóng sách thủ công.

Tuy vậy, nghệ thuật làm sách thủ công tại Việt Nam hiện vẫn còn rất mới mẻ. Anh Trần Trung Hiếu, một thợ đóng sách thủ công với khoảng 6 năm kinh nghiệm, tâm sự: “Nghề đóng sách du nhập vào nước ta từ thời Pháp thuộc, trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này cũng mai một dần. Theo như tìm hiểu của mình, cho đến hiện tại trong nước vẫn rất hiếm, thậm chí là không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống tại các nước châu Âu và Trung Đông”.

Hiện nay sách thủ công ở nước ta được thiết kế và sản xuất trên nhiều chất liệu, như bìa sách được làm từ vải đũi tơ tằm dệt thủ công và họa tiết thêu tay, từ vải thô bố cao cấp không sờn và ép nhiệt cao tần tên sách cùng hình minh họa, từ giấy trúc chỉ - một nghệ thuật mới được sáng tạo, từ lụa thủy ấn, và nhiều nhất là từ da. Với 4 công đoạn chính sau khi đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm) là dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí, thì thời gian trung bình để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản của một người thợ nhiều năm kinh nghiệm thường mất khoảng 1-2 tuần làm việc.

Với những cuốn sách đòi hỏi thiết kế và trang trí phức tạp hơn thì có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng mới hoàn thành. Đây là một “thử thách” không nhỏ với những bạn trẻ đang có hứng thú muốn theo nghề đóng sách thủ công, bởi nếu không thực sự đam mê và kiên nhẫn sẽ rất khó theo đuổi.

Tuy nhiên, các độc giả hoàn toàn có thể thử sức và tìm hiểu nghệ thuật đóng sách từ những sản phẩm đơn giản. Anh Lê Đức Anh, thành viên xưởng Sao Bắc (Sao Bắc Bookbinding), cho biết: “Hiện có nhiều bạn trẻ đã tìm hiểu về làm sách thủ công và muốn thử làm, nhưng đa số còn nhiều phân vân về lựa chọn vật liệu. Thực tế, dễ tìm và dễ sử dụng nhất để mọi người có thể thực hành ngay việc làm một cuốn sách, cuốn sổ tay cho mình ngay tại nhà mà chưa cần đi quá sâu vào tìm hiểu về nghề đóng sách thủ công là các loại vải canvas, vải bố, vải jean. Ở mức độ chuyên nghiệp hơn sẽ có thể cần một số vật liệu chuyên dụng như các loại vải đã được bồi sẵn giấy, keo, các loại da”.

Một sản phẩm của Bookbinding.

Khó khăn lớn nhất để bước vào nghệ thuật đóng sách thủ công hiện nay là không có nguồn tài liệu tiếng Việt, không có những người thầy giàu kinh nghiệm để truyền nghề và dụng cụ dành cho việc đóng sách thủ công một cách chuyên nghiệp, đa số đều phải nhập từ nước ngoài. “Các bạn trẻ, hoặc như mình lúc mới vào nghề còn là sinh viên thì sẽ càng khó khăn hơn bởi các dụng cụ chuyên dụng rất đắt tiền. May mắn là vốn liếng ngoại ngữ - tiếng Anh của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài”, anh Trần Trung Hiếu cho biết.

Dẫu có nhiều khó khăn, dẫu từng thử sức và từng làm hỏng nhiều sản phẩm, song với các “thợ” như Trần Trung Hiếu, mỗi cuốn sách hoàn thiện đều để lại một cảm xúc nhất định: “Không có cuốn nào mình làm sẽ giống nhau, và qua mỗi lần làm thì mình đều học, rút ra được những bài học mới mẻ. Bản thân mình rất tâm đắc với các cuốn sách mà mình tự thiết kế, mang bản sắc của mình”.

Trong thời đại 4.0 mà trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ thì những nghề thủ công truyền thống và giàu sức sáng tạo như nghệ thuật đóng sách này có thể sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ.

Với mong muốn giới trẻ Việt được tiếp cận với đóng sách thủ công, cũng như được giữ gìn các cuốn sách cổ mà ông cha ta để lại, từ ngày 19 đến 21/1, các thành viên của xưởng Sao Bắc sẽ phối hợp cùng Nhã Nam tổ chức workshop "Tự làm sổ tay" để các bạn trẻ được thử sức thiết kế và “sản xuất” một cuốn sổ tay bìa giấy hoặc bìa da của riêng mình.

Theo Vân Hạ/Hà Nội mới
CÁC TIN KHÁC