Liên kết website :

Đang online: 1
- Trong ngày: 1
- Trong tuần: 1
- Trong tháng: 41
- Tổng truy cập: 213.563
[ Đăng ngày: 19/05/2015 ]
  • Xây dựng đặc tính trao đổi công suất giữa nhà máy điện gió với lưới điện/ Nguyễn Duy Khiêm, Trần Đình Long.- Tr. 1-8.

Tóm tắt: Việt Nam có kế hoạch phát triển điện gió đến năm 2020 đạt 1000 MW và năm 2030 đạt 6200 MW. Nhiều nhà máy điện gió được đánh giá là khả thi trong kế hoạch này được dự kiến đấu nối với lưới điện qua các trạm biến áp 22 Kv và 110 kV.

Đặc tính trao đổi công suất giữa nhà máy điện gió với lưới điện qua các phần tử liên lạc là một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét để phân tích ảnh hưởng của việc đấu nối nhà máy điện gió vào lưới điện. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc trao đổi công suất sẽ được xem xét trong bài báo này.

  • Điều khiển bám thích nghi bền vững hệ phi tuyến có thành phần bất định hàm không bị chặn/ Nguyễn Doãn Phước, Lê Thị Thu Hà.- Tr. 9-17.

Tóm tắt: Với lớp bài toán điều khiển bám đối tượng phi tuyến có thành phần bất định hàm số bị chặn trong mô hình, người ta thường nghĩ ngay tới phương pháp điều khiển trượt. Đây là một trong các phương pháp điều khiển mang tính bền vững rất cao với nhiễu và sai lệch mô hình. Tuy nhiên một trong những hạn chế cơ bản của phương pháp điều khiển này là hiệu ứng chattering của nó. Đã có nhiều phương pháp bổ sung thêm để hạn chế hiệu ứng này được giới thiệu trong thời gian qua. Chúng đều tập trung vào việc nhận dạng đẻ bù bớt đi thành phần bất định trong hệ. Bài báo này trình bày một phương pháp thích nghi làm giảm hiệu ứng chattering đó mà không cần nhận dạng và điều khiển bù. Hơn thế nữa phương pháp đề xuất của bài báo còn áp dụng được cho cả trường hợp hệ phi tuyến có hàm bất định không thỏa mãn điều kiện bị chặn.

  • Nghiên cứu khả năng chảy nhớt, tính chất lưu biến của vật liệu NANOCOMPOZIT EVA/EVAgAM/NANOSILICA/ Đỗ Quang Thẩm, Nguyễn Thúy Chinh, Thái Hoàng.- Tr. 18-26.

Tóm tắt: Vật liệu nanocompozit trên cơ sở etylen vinyl axetat EVA ( 18% vinyl axetat) không có có EVAgAM ( EVA ghép anhydrite maleic) và nanosilica ( với hàm lượng 2-4%) được chế tạo bằng phương pháp trộn nóng chảy trên thiết bị trộn nội Haake. Mô men xoắn khi trộn vật liệu nanocompozit được ghi và xử lí bằng phần mềm Polylab V 4.1. Tính chất lưu biến của vật liệu nanocompozit EVA/nanosilica không có và có EVAgAM được xác định bằng máy đo lưu biến CVOR 150 với hệ gá mẫu 2 tấm phẳng song song đo theo nhiệt độ và theo tần số của ứng suất. Kết quả thu được cho thấy mô men xoắn khi trộn tỉ lệ thuận với độ nhớt chảy của vật liệu xác định ở cùng một nhiệt độ. Độ nhớt chảy của vật liệu nanocompozit tỉ lệ thuận với hàm lượng nanosilica, EVAgAM làm tăng độ nhớt chảy của vật liệu nanocompozit EVA/nanosilica. Khi tăng hàm lượng nanosilica, đặc trưng đàn nhớt giống chất rắn (solid-like) của vật liệu nanocompozit tăng, điểm giao cắt giữa mô đun tích trữ (G’) và mô đun tổn hao (G’’) của vật liệu nanocompozit dịch chuyển về phía vùng tần số nhỏ hơn. Kết quả tương tự cũng thu được với vật liệu nanocompozit EVA/nanosilica có 1% EVAgAM đóng vai trò là chất tương hợp tăng cường khả năng kết dính giữa nanosilica và nền EVA.

  • Đa dạng thành phần loài động vật đáy (ZOOBENTHOS) ở sông truồi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế/ Hoàng Đình Trung.- Tr.27-33.

Tóm tắt: Nghiên cứu về thành phần loài động vật đáy ở sông Truồi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện trên 7 điểm thu mẫu. Đã xác định được 55 loài trai, ốc , tôm, cua, giun ít tơ, giun nhiều tơ và ấu trùng côn trùng ở nước thuộc 31 họ, 48 giống, 14 bộ của 03 ngành. Trong đó; lớp côn trùng (Insecta) có 27 loài thuộc 25 giống, 14 họ, 5 bộ; tiếp đến lớp Chân bụng (Gastropoda) có 9 loài, 8 giống, 4 họ, 2 bộ; lớp Giáp xác (Crustacea) với 8 loài thuộc 5 giống, 3 họ, 1 bộ; lớp Hai mảnh vỏ (Bivalvia) có 5 loài thuộc 5 họ, 5 giống, 3 bộ; lớp Giun nhiều tơ (Polygocheata) có 4 loài thuộc 3 giống, 3 họ và 2 bộ; lớp Giun ít tơ (Olygocheata) có 2 loài, 2 giống, 2 họ và 1 bộ. Tính bình quân, mỗi bộ có 2,21 họ, 3,42 giống và 3,92 loài. Mỗi họ chứa 1,54 giống, 1,77 loài và mỗi giống chứa 1,14 loài.

  • Ảnh hưởng của một số nguồn ánh sang nhân tạo đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây Địa lan (CYMBIDIUM SPP.) và cây hoa Cúc (CHRYSANTHEMUM SPP.)/ Dương Tấn Nhựt, Lê Thi Phương Thảo, Trịnh Thị Hương, Nguyến Bá Nam.- Tr. 34-42.

Tóm tắt: Ánh sáng là nguồn năng lượng chính trong quang hợp của cây trồng. Tuy nhiên, ánh sáng đèn huỳnh quang là nguồn ánh sáng chính trong các phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện tại; do đó giá thành của cây trồng cao vì nó đã tiêu thụ một lượng lớn điện năng. Vì vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của việc tiết kiệm năng lượng ánh sáng (đèn compact huỳnh quang) lên khả năng tăng trưởng và phát triển của Chrysanthemum and Cymbidium để tìm ra hệ thống tiết kiệm năng lượng thay thế cho hệ thống chiếu sáng truyền thống. Kết quả thu được cho thấy đèn có chứa nhiều tia đỏ (đèn compact 1U đỏ, đèn compact 1U trắng và đèn compact 3U) phù hợp cho sự phát triển của cây hơn đèn chứa nhiều tia xanh (đèn compact 1U màu xanh lá cây). Trong đó, đèn compact 3U phù hợp cho sự hình thành chồi của Cúc cũng như hệ số nhân PLB và khối lượng tươi của PLB Địa lan. Đèn compact 1U trắng phù hợp cho sự hình thành rễ của cả cúc và địa lan cũng như sự tăng trưởng của cây con khi trồng ngoài vườn ươm. Vì vậy, thay vì sử dụng hệ thống chiếu sáng truyền thống (đèn neon), chúng ta nên sử dụng đèn compact, không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng của cây trồng tốt hơn.

  • Nghiên cứu động học của phản ứng trùng hợp ACRYLAMIT sử dụng chất khơi mào AMONI PESUNFAT/ Trịnh Đức Công, Nguyễn Văn Khôi.- Tr. 43-50.

Tóm tắt: Động học của phản ứng trùng hợp acrylamit trong nước sử dụng amoni pesunfat (APS) như là chất khơi mào đã được nghiên cứu bởi công nghệ trùng hợp gốc tự do. Ảnh hưởng của nhiệt độ phản ứng, thời gian phản ứng, nồng độ chất khơi mào đến độ chuyển hóa và khối lượng phân tử trung bình của polyme đã được nghiên cứu bằng phương pháp quy hoạch thực nghiệm và phần mềm MODDE 5.0. Kết quả cho thấy điều kiện tối ưu của quá trình trùng hợp acrylamit là: nhiệt độ 71 oC, thời gian 95 phút và nồng độ chất khơi mào 1,58.103 M. Tại điều kiện này, độ chuyển hóa của phản ứng trùng hợp là 99,9%, khối lượng phân tử trung bình của polyacrylamit thu được là 4,17.105 (g/mol). Phương trình tốc độ trùng hợp xác định bằng thực nghiệm có dạng Rp =k [AM]1,4728[APS]0,4905. Năng lượng hoạt hóa trung bình được xác định là 61,96 kJ/mol trong khoảng nhiệt độ 65-80 oC.

  • Hiệu quả giảm kích thước hạt bùn thông qua tiền xử lí bằng kiềm, siêu âm, nhiệt và kết hợp/ Lê Ngọc Tuấn, Carine Julcour-Lebigue, Henri Delmas.- Tr. 51-63.

Tóm tắt: Việc giảm kích thước của hạt bùn thải (PSR) thông qua tiền xử lý giúp đẩy nhanh giai đoạn thủy phân cũng như tăng cường sự phân hủy chất hữu cơ trong quá trình tiêu hóa kị khí. Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự thay đổi PSR bởi tác động riêng lẽ và kết hợp của các phương pháp tiền xử lý bùn thải khác nhau, bao gồm siêu âm (US), nhiệt và kiềm. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa PSR và COD chuyển từ pha rắn sang pha lỏng lần đầu tiền được nghiên cứu chi tiết.

Kết quả cho thấy phương pháp tiền xử lý bùn thải bằng siêu âm mang lại hiệu quả PSR cao nhất. Sự thay đổi kích thước hạt trung bình (D[4,3]) phụ thuộc vào năng lượng siêu âm (ES). Hiệu quả PSR còn được nâng cao trong điều kiện siêu âm đoạn nhiệt và áp suất ngoại tác thích hợp. Kiềm hóa bùn thải cũng giúp đẩy nhanh tốc độ PSR trong giai đoạn siêu âm. Tuy nhiên, việc giảm mạnh D[4,3] trong giai đoạn đầu của quá trình siêu âm (ES thấp) không ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ COD được giải phóng. Do đó, để tối ưu hóa quá trình xử lí bùn thải, cần nghiên cứu kết hợp PSR với các thông số hóa học và sinh học khác.

  • Bước đầu xác định hàm lượng một số kim loại nặng trong môi trường nước sông Hằng/ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Lê Thị Phương Quỳnh, Nguyễn Thi Mai Hương, Nguyễn Bích Thủy, Vũ Duy An, Dương Thi Thủy, Hồ Tú Cường, Trần Thị Bích Nga.- Tr. 64-74.

Tóm tắt: Chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trương nước đang ngày càng được quan tâm. Bài báo trình bày kết quả quan trắc hàng tháng về hàm lượng kim loại nặng hòa tan trong nước song Hồng tại Yên Bái, Hà Nội, Hòa Bình,và Vụ Quang trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng10 năm 2012. Kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng một số kim loại nặng dạng hòa tan trong nước sông Hồng thay đổi trong khoảng rộng: Cu: 10 – 80 µg/l; Zn: 2 - 88 µg/l; Cr: 0,2 – 5,1 µg/l; Pb: 2 - 107 µg/l; Cd: 2 - 12 µg/l; Mn: 2 – 35 µg/l; Fe: 160 – 950 µg/l. Hàm lượng của hầu hết các kim loại nặng tại 4 vị trí quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam đối với chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT. Tuy nhiên, tại một số thời điểm quan trắc, hàm lượng của một số kim loại như Fe, Cd và Pb đã vượt quá giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Các kết quả này chỉ ra rằng cần phải liên tục giám sát chất lượng nước sông để giảm thiểu những tác động bất lợi đến sức khỏe con người, cũng như tới hệ thủy sinh thái.

  • Nghiên cứu các quá trình ăn mòn của hợp kim Eutectic Bi-42Sn hàn/ Nguyễn Đăng Nam.- Tr. 75-84.

Tóm tắt: Bài báo nghiên cứu về sự thay đổi trở kháng trong trạng thái thụ động, tái thu động và quá trình bắt đầu ăn mòn lỗ của hợp kim eutectic Sn-Bi. Phương pháp phân cực anốt được sử dụng để đánh giá trạng thái thụ động, ăn mòn lỗ và tái thụ động đồng thời kết quả này cũng được sử dụng để để đảm bảo độ chính xác của đo điện trở kháng quang phổ. Phổ quang điện tử tia X cho thấy oxit thiếc tương tác với oxit bitmut tạo thành lớp màng thụ động của hợp kim. Bitmut phân hủy gây ra quá trình ăn mòn lỗ và oxit thiếc hình thành lớp màng tái thụ động.

  • Ảnh hưởng của biên dạng tạp chất cực nguồn tới đặc tính hoạt động của các Tranzito xuyên hầm ngang và dọc/ Lưu Thế Vinh, Nguyễn Đăng Chiến.- Tr. 85-95.

Tóm tắt: Kĩ thuật pha tạp cực nguồn, vật liệu vùng cấm nhỏ và cấu trúc xuyên hầm dọc đang được xem là những phương pháp hiệu quả nhất để khắc phục vấn đề dòng mở (on-current) thấp trong các tranzito trường xuyên hầm. Nghiên cứu này làm sáng tỏ những ảnh hưởng của nồng độ và độ biến thiên tạp chất cực nguồn tới đặc tính hoạt động của tranzito trường xuyên hầm ngang và dọc sử dụng gecmani có vùng cấm nhỏ, qua đó cho phép so sánh một cách toàn diện các khía cạnh vật lí và đặc tính của hai cấu trúc chính của tranzito trường xuyên hầm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phụ thuộc của dòng mở vào nồng độ tạp chất cực nguồn là như nhau trong cả hai loại tranzito trường xuyên hầm ngang và dọc, ngoại trừ dòng mở của tranzito trường xuyên hầm dọc luôn lớn hơn dòng mở của tranzito trường xuyên hầm ngang khoảng 10 dòng. Do mức độ đóng góp khác nhau của các thành phần xuyên hầm ngang và dọc trong vùng điện áp dưới ngưỡng, độ dốc dưới ngưỡng của tranzito trường xuyên hầm dọc ban đầu giảm ở nồng độ cực nguồn thấp, sau đó tăng ở nồng độ trung bình, rồi lại giảm ở nồng độ cao. Trong khi đó, độ dốc dưới ngưỡng của tranzito trường xuyên hầm ngang luôn giảm theo hàm mũ khi tăng nồng độ cực nguồn. Với việc giảm độ biến thiên tạp chất cực nguồn, dòng mở của tranzito trường xuyên hầm ngang bị giảm mạnh, trong khi dòng mở của tranzito trường xuyên hầm dọc hầu như không đổi. Với những thuận lợi cơ bản về dòng mở, độ dốc dưới ngưỡng và kĩ thuật chế tạo, các tranzito trường xuyên hầm dọc sử dụng vật liệu vùng cấm nhỏ rất thích hợp dùng cho các mạch tích hợp công suất thấp.

  • Nghiên cứu chế tạo vật liệu Cacborun từ Nano SiO2/ Trần Sĩ Trọng Khanh, Trần Thi Thao, Nguyễn Năng Định.- Tr. 96-104.

Tóm tắt: Bằng công nghệ nghiền năng lượng cao sử dụng vật liệu SiO2 từ tro của trấu của thóc lúa, SiO2 với  kích thước hạt khoảng 50 nm (nano- SiO2) đã được chế tạo. Khi thiêu kết hỗn hợp nano- SiO2 và graphite (C) phản ứng hoàn toàn tạo ra cacborun (SiC) dạng bột mịn xảy ra tại nhiệt độ 1550oC, thời gian 1 giờ. sản phẩm SiC nhận được có độ sạch cao có thể ứng dụng làm tấm kê,gối đỡ trong công nghệ gốm sứ hay các thanh đốt trong lò nhiệt độ cao. Việc phát hiện SiC kết tinh hình que khi sử dụng hỗn hợp nano- SiO2 chứa tạp chất để thiêu kết gợi mở những nghiên cứu mới nhằm chế tạo vật liệu que nano SiC ứng dụng làm chip LED tử ngoại hay vật liệu tổ hợp nano polymer dẫn điện với những tính chất điện và quang điện tử nổi trội.

  • Ảnh hưởng của nhiệt độ phân hủy các muối đến thành phần và hình thái bề mặt điện cực Ti/SnO2-Sb2O3/PbO2/ Chu Thị Thu Hiền, Trần Trung, Vũ Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Phong.- Tr. 105-114.

Tóm tắt: Các điện cực với lớp phủ trung gian SnO2 - Sb2O3 trên nền Ti/SnO2-Sb2O3/PbO2 được chế tạo bằng phương pháp hủy nhiệt. Nhóm tác giả đã khảo sát cấu trúc, hình thái bề mặt và độ bền của lớp phủ này. Kết quả thu được cho thấy khi nung ở 370 oC, hình thành lớp SbO2 còn khi nung ở 550 oC, thấy xuất hiện Sn và Sb trong lớp sản phẩm. Ở nhiệt độ nung 420 oC và 480 oC, quan sát thấy lớp Sb2O3 mà không còn kim loại Sn và Sb trong sản phẩm nữa. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 480 oC, cường độ pic Sb2O3 xuất hiện rõ hơn so với nung ở nhiệt độ 420 oC và đây là nhiệt độ tối ưu để thu được lớp phủ SnO2 - Sb2O3 tốt nhất. Kết quả đo đường cong phân cực cho thấy thời gian sống của điện cực này lên tới 290 giờ trong khi mẫu nung ở 370 oC, 420 oC, 550 oC thì thời gian sống của chúng là 115, 270 và 230 giờ tương ứng.

  • Tính toán độ bền mỏi tiếp xúc trong bộ truyền bánh răng con lăn/ Vũ Lê Huy.- Tr. 115-126.

Tóm tắt: Truyền động bánh răng con lăn là một loại bộ truyền mới, có rất nhiều triển vọng áp dụng nhưng lại chưa có tài liệu nào nghiên cứu sâu về loại bánh răng này, đặc biệt là thiết lập tính toán về độ bền của chúng. Cũng giống như các loại bộ truyền bánh răng khác, trong bộ truyền bánh răng con lăn thì các dạng hỏng bề mặt chủ yếu là do mỏi gây ra bởi ứng suất tiếp xúc thay đổi có chu kỳ. Dựa trên ý tưởng về phương pháp tính toán thiết kế bộ truyền bánh răng trụ răng thẳng với biên dạng thân khai theo độ bền tiếp xúc, bài báo này giới thiệu quá trình thiết lập phương pháp tính toán kiểm nghiệm độ bền tiếp xúc cho bộ truyền bánh răng con lăn xuất phát từ công thức Héc. Từ đó, công thức kiểm nghiệm cũng như công thức thiết kế  giúp xác định thông số, kích thước hình học chính của bộ truyền theo độ bền tiếp xúc đã được thiết lập. Các công thức đã được áp dụng tính toán thiết kế cho bộ truyền bánh răng con lăn trong các hộp giảm tốc của hãng Sumitomo. Kết quả tính toán đã cho kết quả kích thước các bộ truyền là tương tự, và do đó cho thấy tính đúng đắn và khả năng ứng dụng thiết kế của các công thức đã được thiết lập.

CÁC TIN KHÁC