Liên kết website :

Đang online: 0
- Trong ngày: 0
- Trong tuần: 8
- Trong tháng: 48
- Tổng truy cập: 213.570
[ Đăng ngày: 07/03/2014 ]
Đó là khẳng định của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, với hơn 1.000 học sinh tại buổi tọa đàm về chủ đề: “Chọn “ngọc” giữa “biển” sách do Công ty Điện tử Samsung Vina phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, NXB Trẻ tổ chức tại Trường Quốc học Huế ngày 1-3.

Khách mời tham gia buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói, thực tế bạn trẻ ngày nay không hề lười đọc, bằng chứng là họ sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ và dành rất nhiều thời gian vào đó. Tuy nhiên, muốn xây dựng một văn hóa đọc, trước hết người đọc cần hiểu đọc gì? tìm gì? và đọc như thế nào? Bà Ninh cũng cho rằng, ngày nay bằng các phương tiện hỗ trợ đắc lực, người đọc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, người đọc cần xác định “đọc là để tìm thông tin, tìm kiến thức và sự hiểu biết”. Nhiều bạn trẻ ngày nay chỉ mới dừng lại ở mức độ đọc để tìm thông tin chứ chưa đi sâu vào hai cấp độ còn lại. Muốn hiểu biết cần phải đọc sách. Đọc để học ở trường, học ở đời. Đó là tấm “thông hành” vào đời ý nghĩa, hiệu quả hơn đối với mỗi cá nhân. Ngày nay, chúng ta bị thúc ép bởi thời gian trong nhịp sống vội, vì thế bản thân mỗi người phải làm chủ cả thời gian, phải tư duy bằng nhiều góc độ.

Nói về văn hóa đọc, bà Ninh cho rằng, có nhiều con đường dẫn đến đam mê đọc sách. Trong đó giáo dục đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến niềm đam mê của học sinh. Bên cạnh đó, cần có sự giao lưu, phối hợp giữa các phương tiện nghe, nhìn. Nói cách khác đó là xem các bộ phim chuyển thể từ các cuốn tiểu thuyết, truyện nhiều hơn với văn học. Đặc biệt, nếu như có thể tổ chức được các buổi chiếu phim (chuyển thể từ tiểu thuyết văn học) và thảo luận phim, sách ngay trong khuôn viên nhà trường thì là một điểm hay.

Trả lời sự quan tâm của học sinh về xây dựng văn hóa đọc và nên chăng cần thay đổi gu đọc sách, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng, không nhất thiết phải đa dạng hóa gu đọc sách. Đọc sách như một con đường, cứ đi hết đường này rồi nếu muốn thì tiếp tục sang đường khác. Như vậy người đọc mới cảm nhận sâu hơn các vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống, trong trang sách và hiểu chính bản thân mình. Bà Ninh góp ý thêm, câu chuyện của con người với sách là một hành trình kết duyên, không thể có một công thức chọn, đọc sách theo kiểu “mì ăn liền” cho tất cả bạn đọc. Vì vậy bản thân mỗi học sinh ngay từ thời phổ thông phải tự xây dựng hành trình cho mình.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng thừa nhận: Thực tế có không ít học sinh chưa quan tâm đến việc đọc sách, chưa xây dựng được văn hóa đọc cho mình. Về vấn đề này, bà Ninh nhấn mạnh, mỗi học sinh nói riêng và người đọc nói chung phải ý thức được việc đọc là cho mình. Đọc không chỉ để hiểu biết mà thậm chí còn là động lực. “Vấn đề chọn lọc sách như thế nào giữa biển sách mênh mông là nằm ở các bạn. Chìa khóa cuối cùng ở trong tay các bạn, nó thể hiện bản lĩnh, sự hiểu biết của các bạn”, bà Ninh nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
(Theo GD TPHCM)
CÁC TIN KHÁC