Liên kết website :

Đang online: 0
- Trong ngày: 2
- Trong tuần: 2
- Trong tháng: 2
- Tổng truy cập: 213.573
[ Đăng ngày: 19/05/2015 ]

TIÊU ĐIỂM

  • Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sử và hiện tại/ Đào Trí Úc.- Tr. 3-7.

Tóm tắt: Trong thời đại toàn cầu hóa, sự tương tác giữa pháp luật của các quốc gia là một tất yếu khách quan và trên cơ sở đó đã hình thành những con đường cho sự xích lại gần nhau hơn của các hệ thống pháp luật quốc gia, dân tộc. Áp dụng quy phạm pháp luật xung đột là kênh quan trọng cho sự tiếp nhận và sự xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia. Nguyên tắc về quyền của các bên tự do lựa chọn luật áp dụng được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng là nguyên tắc nền tảng của các công ước quốc tế. đó là quy tắc “Proper Law of the Contract”. Sự tương tác của các hệ thống pháp luật còn được thực hiện bởi việc tạo ra một loại “kết cấu hạ tầng pháp lý” giữa các quốc gia với nhau: tạo ra một chế độ pháp lý chung hoặc có tính phổ quát cho đối tượng điều chỉnh pháp luật của mỗi nước; tạo ra chuỗi giá trị phổ biến; xác lập các thủ tục tương đương; thực hiện sự bảo hộ pháp lý như nhau và lẫn nhau… Áp dụng các văn bản pháp luật mẫu có khả năng định hướng của chúng cho nhà làm luật các quốc gia có quan tâm, là cầu nối giữa các quy phạp pháp luật quốc tế với pháp luật quốc gia. Nhất thể hóa (unification) pháp luật là tạo ra các quy phạm, chế định pháp luật để hoặc xác lập phương thức điều chỉnh thống nhất cho một loại đối tượng thay vì các quy phạm hiện hữu của các quốc gia.

LUẬT HÌNH SỰ, LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

  • Kiến nghi bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong bộ luật hình sự năm 1999/ Vũ Thị Thúy.- Tr. 8-13.

Tóm tắt: Việc xác định nơi thực hiện tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình áp dụng hiệu lực về không gian của BLHS, nhất là khi hành vi phạm tội hoặc hậu quả của tội phạm xảy ra ở các quốc gia khác nhau… Tuy nhiên, Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam chưa định nghĩa về khái niệm này. Trong bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu các quan điểm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự, quy định của BLHS một số quốc gia và một số điều ước quốc tế có liên quan. Từ đó, tác giả đề xuất bổ sung khái niệm nơi thực hiện tội phạm trong BLHS Việt Nam năm 1999.

  • Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự/ Nguyễn Đức Thái.- Tr. 14-21.

Tóm tắt: Quyền buộc tội trong tố tụng hình sự là quyền năng pháp lý đặc biệt nhằm xác định tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội. quyền buộc tội của người bị hại thể hiện trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại, bao gồm quyền đưa ra yêu cầu khởi tố và trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định hiện hành vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Bài viết này phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những hạn chế đối với quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự, qua đó đề xuất một số phương hướng để hoàn thiện các quy định liên quan.

  • Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện trong gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự/ Lê Huỳnh Tấn Duy.- Tr. 22-29.

Tóm tắt: Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của dại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự là một trong những đặc quyền được ghi nhận bởi pháp luật Việt Nam và quốc tế. phân tích những quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối chiếu với các nguyên tắc, tiêu chuẩn tương ứng của Công ước về quyền trẻ em và giải thích của Uỷ ban quyền trẻ em, bài viết chỉ ra những hạn chế của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tố tụng đặc thù trên của người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm giúp đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức hoàn thành vai trò trợ giúp tích cực và cần thiết cho người chưa thành niên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự ở nước ta.

LUẬT ĐẤT ĐAI, LUẬT KINH TẾ

  • Quyền tiếp cận đất đai của nhà đầu tư thông qua các giao dịch quyền sử dụng đất/ Lưu Quốc Thái.- Tr. 30-36.

Tóm tắt: “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” là một trong 10 chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trong việc thu hút đầu tư. Bài viết này sẽ bàn về “cơ hội” tiếp cận đất đai (hay QSDĐ) của các nhà đầu tư, thông qua các giao dịch QSDĐ ( ở thị trường thứ cấp) trong pháp luật đất đai hiện hành.

  • Một số mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới – kinh nghiệm cho Việt Nam/ Đỗ Đức Hồng Hà, Mai Xuân Hợi.- Tr. 37-41.

Tóm tắt: Sau gần 8 năm ra đời, mô hình tổ chức Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập trong việc tổ chức, hoạt động phần nào làm hạn chế hiệu quả hoạt động điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm Luật cạnh tranh. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển trên thế giới, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh được xây dựng từ rất sớm và hoạt động rất hiệu quả. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan qua đó đề xuất phương hướng hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.

LUẬT DÂN SỰ

  • Xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở và vấn đề bảo đảm quyền con người/ Mai Hồng Qùy.- Tr. 42-47.

Tóm tắt: Khi xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nhà ở thì xuất hiện hai quyền đối lập nhau là quyền của chủ nợ được xử lý tài sản nhằm thực hiện nghĩa vụ và quyền của con người có nghĩa vụ được có chỗ ở với tư cách là quyền cơ bản của con người. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có quy định để dung hòa hai quyền trên trong pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, các quy định này còn những hạn chế về phạm vi áp dụng và Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài để bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan. Bài viết bàn về cơ sở pháp lý của các quyền của chủ nợ và người có nghĩa vụ trong trường hợp tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nhà ở trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp.

  • Bảo lãnh trong bộ luật dân sự của CHLB Đức và một số liên hệ với bảo lãnh trong bộ luật dân sự của CHXHCN Việt Nam/ Phan Huy Hồng.- Tr. 48-56.

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu những nội dung cơ bản của chế định bảo lãnh trong luật Đức, bao gồm (i) vị trí của bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự, (ii) bản chất của bảo lãnh, (iii) hình thức của bảo lãnh, (iv) điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, (v) bảo lãnh vô hiệu, (vi) các loại bảo lãnh và (vii) chấm dứt bảo lãnh. Qua đó tác giả bài viết cho thấy, quy định về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự của CHLB Đức hầu như không thay đổi trong suốt lịch sử Bộ luật này, nhờ tầm nhìn và kỹ thuật lập pháp tài tình của các nhà lập pháp Đức. Nó cho phép khoa học pháp lý cũng như án lệ phát triển và tiếp hơi thở và sức sống của mỗi thời đại vào quy định của luật thành văn. Việt Nam cũng muốn có một Bộ luật Dân sự hiện đại và có sức sống lâu bền. Vì vậy, bài viết cũng gợi mở một số kinh nghiệm từ luật Đức cho nhà lập pháp Việt Nam.

  • “Vật quyền” bảo đảm: Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam?/ Đỗ Văn Đại.- Tr. 57-65.

Tóm tắt: Thuật ngữ “vật quyền” đã xuất hiện trong khoa học pháp lý Việt Nam từ những năm 1960 và thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ “droit réel” trong pháp luật Pháp. Thuật ngữ này không được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng tư duy vật quyền đã tồn tại ở Việt Nam như trong trường hợp cầm cố và thế chấp tài sản. trong lần sửa đổi BLDS lần này và trên cơ sở kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta nên mở rộng tư duy này cho cả trường hợp khác như trường hợp bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, thuật ngữ “vật quyền” không nên được sử dụng chính thức trong BLDS vì không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

  • Hoàn thiện các quy định chung về giao dịch bảo đảm trong bộ luật dân sự năm 2005/ Lê Minh Hùng.- Tr. 66-75.

Tóm tắt: Pháp luật giao dịch bảo đảm đầy đủ, hoàn thiện sẽ hạn chế được tranh chấp, giúp đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên khi xác lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm. nhưng pháp luật giao dịch bảo đảm hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các quy định trong phần chung. Bài viết phân tích về các bất cập liên quan đến quy định trong phần chung về việc có tiếp thu hay không lý thuyết về vật quyền ( tiếng Latin là jus in rem) trong quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm, bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, bảo đảm nhiều nghĩa vụ…và đưa ra các khuyến nghi hoàn thiện các quy định này, qua đó góp phần hoàn thiện quy định về giao dịch  bảo đảm trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.

THÔNG TIN KHOA HỌC PHÁP LÝ

  • So sánh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của CHDCND Lào và của CHXHCN Việt Nam/ Kham Tay Keopaseuth.- Tr. 76-80.

Tóm tắt: Tại Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, Cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định, biện pháp khẩn cấp tạm thời do tòa án tuyên. Cơ cấu tổ chức của cơ quan này tại CHDCND Lào có một số nét tương đồng và khác biệt so với các cơ quan tương đương tại Việt Nam. Ở bài viết này, tác giả tập trung làm rõ quy định của pháp luật về Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào và CHXHN Việt Nam, so sánh đối chiếu để thấy được sự tương đồng, khác biệt nhất định giữa các cơ quan đó. Sau đó tác giả nhận xét đánh giá và đề xuất một số kiến nghị, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cơ quan Thi hành án dân sự tại CHDCND Lào trong tương lai.

CÁC TIN KHÁC