Liên kết website :

Đang online: 0
- Trong ngày: 0
- Trong tuần: 5
- Trong tháng: 32
- Tổng truy cập: 213.603
[ Đăng ngày: 21/04/2013 ]

Ngày đọc sách thế giới (23/4) được phát động bắt đầu tại các nước thuộc Anh và Ireland từ 1995 và được UNESCO công nhận là ngày Sách và Bản quyền Thế giới (hay Ngày Đọc sách Thế giới) nhằm tôn vinh văn hóa đọc, ngành xuất bản và quyền sở hữu trí tuệ. Hằng năm khắp nơi trên thế giới tưng bừng các hoạt động về sách, tôn vinh tầm quan trọng của sách và khuyến khích mọi người khám phá văn hoá đọc.

      M. Gorki đã nói : “ Hãy yêu quý sách, vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức”. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận vai trò của sách, nhưng không phải ai cũng có thói quen và niềm đam mê với sách. Nhân ngày đọc sách thế giới 23/4, trung tâm Thông tin- Thư viện trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức xin có đôi lời gửi đến toàn thể các bạn học sinh sinh viên_ những người bạn đồng hành thân thiết của sách.

       Trong thời đại công nghệ số hiện nay, không khó để có thể tiếp cận với một vấn đề, một thông tin hay thậm chí là một tác phẩm văn học hàng nghìn trang. Chỉ một cú click chuột, những gì bạn muốn biết sẽ hiển thị trong vòng vài giây. Nhanh chóng và thuận tiện, điều đó khiến nhiều người dần quên mất thói quen lùng sục trong thư viện hay nhà sách nhiều giờ đồng hồ chỉ để tìm cho ra cuốn sách mà mình yêu thích. Khái niệm “đọc sách” dần trở thành hàn lâm và chỉ thuộc về thói quen của một số ít bạn đọc nào đó.

      Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị của những tiện ích mà khoa học hiện đại đã mang lại cho chúng ta, bởi vì kho kiến thức của nhân loại là vô tận và được lưu giữ ở khắp mọi nơi. Nhưng chỉ xin khẳng định lại một điều, những gì bạn học được từ sách, sẽ rất khó mà mất đi, và sẽ tuyệt vời hơn khi bạn học lại điều đó một lần nữa từ chính những quyển sách của mình. Vì sách là phương tiện truyền đạt đã vượt qua cả không gian và thời gian, mang trong mình sứ mệnh cao cả để định vị mình trong tiến trình phát triển của nhân loại.

       Khi cầm trên tay một cuốn sách, có nghĩa là ta đã nắm được một phần bí mật của cuộc sống. Để rồi khi trang sách ấy được mở ra, ta lại vỡ òa với bao nhận thức mới mẻ. Ẩn dưới những con chữ ấy, biết đâu lại bắt gặp hình bóng của chính mình trong đó? Những khát vọng, ước mơ, nỗi cô đơn bé nhỏ của một kiếp người hay thậm chí là nỗi đau đớn của cả một dân tộc…

       Để thói quen đọc sách trong mỗi chúng ta không bị mai một, và để tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ, kể từ năm 1995, UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Thật trùng hợp, đó còn là ngày mất của cả ba đại văn hào thế giới: Cervantes, Shakepeare, và Inca Garalaso de la Vega - những người đã để lại cho thế giới một di sản quý giá không gì thay thế nổi.  

       Có một thực tế khiến cho những ai yêu sách không thể không suy nghĩ, đó là tình trạng đọc sách và văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của Bộ VH-TT& DL cho thấy: tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam là khá thấp, trung bình mỗi năm, mỗi người chỉ đọc 0,8 cuốn sách (tức là chưa được một cuốn sách). Đó là một tín hiệu đáng báo động cho sự “tụt dốc” của văn hóa đọc nước nhà.

        “Ngày đọc sách thế giới” ra đời, như một hồi chuông đánh động vào tâm hồn yêu sách đang say ngủ trong bản thân mỗi người, không còn thu hẹp trong phạm vi quốc gia, hiện nay, ngày đọc sách thế giới đã có tầm ảnh hưởng và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, các bạn trẻ Việt Nam cũng đang dần tìm về với thú tiêu khiển không bao giờ lỗi thời ấy: đọc sách. Thị trường sách hiện nay rất phong phú về nội dung và đang dạng về thể loại, điều đó đòi hỏi người đọc phải là một độc giả thông minh trong việc lựa chọn sách. Bạn có thể đến nhà sách để mua về một quyển sách mà mình tâm đắc từ lâu, bạn có thể đến thư viện để được đọc sách trong không gian gần gũi và thân thiện, bạn có thể mượn bạn bè quyển sách mà bạn ấy có để cùng đọc và chia sẻ… Ở đâu cũng được, bằng cách này hay cách khác, miễn là bạn tìm đến với sách, nghĩa là bạn đã tìm ra được cánh cửa của thiên đường tri thức.

        Có ai đó đã ví von rằng: “Đọc một cuốn sách cũng giống như yêu một người. Ở những trang đầu tiên, người ta thấy mình hồi hộp, sôi nổi, ở những trang tiếp theo, người đọc thấy mình bị lôi cuốn, say mê, có lúc lại trầm buồn, sâu lắng…Rồi khi cuốn sách khép lại, nếu như đó là một quyển sách bìa đẹp mà nội dung không hay, người đọc sẽ quên nó rất nhanh, nhưng nếu đó là một quyển sách hay, những dư vị của nó sẽ theo ta đến suốt cuộc đời…”.

        Chúc cho những ai yêu sách sẽ tìm thấy niềm vui ngay trong chính thói quen của mình. Hãy lan tỏa thói quen tốt này cho những người xung quanh nữa, bạn nhé!

(Trung tâm Thông tin- Thư viện)

CÁC TIN KHÁC