Liên kết website :

Đang online: 1
- Trong ngày: 1
- Trong tuần: 9
- Trong tháng: 49
- Tổng truy cập: 213.571
[ Đăng ngày: 04/06/2015 ]

NGHỊ QUYẾT XI CỦA ĐẢNG VÀ THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

  • Một số giải pháp thực hành dân chủ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay/ Nguyễn Trọng Chuẩn.- Tr. 3-10.

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi. Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, thực hành dân chủ đã và đang được xem là một trong những biện pháp, phương thức hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng với tính cách Đảng duy nhất lãnh đạo cầm quyền. Trong bài viết này, tác giải đã đưa ra một số giải pháp thực hành dân chủ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, đó là: 1) Nhà nước phải mang bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân; 2) Thể chế hóa đường lối, chủ trương thực hành dân chủ thành Hiến pháp và pháp luật; 3) Thực hành dân chủ trong xã hội một cách thực chất; 4) Tăng cường tính hiệu quả và nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền; 5) Đảng “phải mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Theo tác giả, nếu thực hiện đầy đủ những giải pháp trên đây thì hoàn toàn có thể thực hành dân chủ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền dù trong xã hội chỉ có một đảng chính trị duy nhất cầm quyền và lãnh đao.

GIÁ TRỊ VÀ SỨC BỀN VỮNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

  • Quan hệ giữa dân chủ và chủ nghĩa xã hội với tư cách “Biện chứng của lịch sử sinh động” trong quan niệm của V.I.Lênin/ Đặng Hữu Toàn, Nguyễn Đình Hòa.- Tr. 11-19.

Tóm tắt: Vận dụng lý luận của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về cách mạng dân chủ và quan niệm của các ông về mối quan hệ giữa dân chủ và chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã hoàn chỉnh thêm một bước và phát triển thêm lý luận đó, quan niệm cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Trong quan niệm của V.I.Lênin, mối quan hệ giữa dân chủ và chủ nghĩa xã hội là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng và ông gọi đó là “biện chứng của lịch sử sinh động”. Theo quan niệm này của V.I.Lênin, đấu tranh vì dân chủ và đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình thống nhất để đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi triệt để.

  • Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh – Nội dung và đặc điểm/ Trần Thị Minh Tuyết.- Tr. 20-28.

Tóm tắt: Sinh thời, nhà nhân văn chủ nghĩa Hồ Chí Minh luôn cho rằng, “nghĩ cho cùng, mọi vấn đề…là vấn đề ở đời và làm người”, do vậy, quyền con người là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù Hồ Chí Minh không để lại trước tác riêng biệt về vấn đề này, nhưng khát vọng giải phóng con người và chủ trương mang lại hạnh phúc cho con người, trước hết là cho nhân dân lao động, đã thấm sâu vào mọi tác phẩm và hoạt động thực tiễn của Người. Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển thể chế dân chủ, đảm bảo quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người có giá trị lý luận và thực tiễn thiết thực.

  • Nhà nước với vệc quản lý sự phát triển xã hội Việt Nam hiện nay theo hướng tiến bộ, công bằng, dân chủ, an toàn và bền vững/ Lê Thanh Thập.- Tr. 29-36.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả đã tập trung làm rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lý sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay theo hướng tiến bộ, công bằng, dân chủ, an toàn và bền vững. Qua đó, tác giả khẳng định, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ là thiết chế quyền lực chính trị nhằm duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, mà còn là chủ thể quản lý sự phát triển xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội và giúp cho thể chế hành chính nhà nước được hình thành.

  • Trần Đức Thảo với chủ nghĩa duy vật biện chứng/ Bùi Thị Tỉnh.- Tr. 37-44.

Tóm tắt: Sau khi Sartre cho xuất bản tác phẩm “Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn” (năm 1946), cuộc đấu tranh tư tưởng chống chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo đã lên tới đỉnh điểm. Khi đó, Trần Đức Thảo, với tác phẩm “Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩa duy vật biện chứng” đã đứng vào “phe biện chứng” trong cuộc đấu tranh này. Để bày tỏ lập trường của mình, ông đã phê phán chủ nghĩa hiện sinh trên lập trường duy vật biện chứng. Sự phê phán tập trung vào vấn đề con người trong chủ ngĩa hiện sinh, bởi “hiện sinh thực tại là hiện sinh vật chất”. Ngoài ra, nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo còn làm rõ một số vấn đề về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, về đấu tranh giai cấp,… Những phê phán, lập luận sắc sảo của ông đã góp phần khẳng định giá trị thực tiễn và sức sống không thể thay thế của học thuyết Mác.

  • Triết lý xử thế Ngô Thì Nhậm/ Trần Ngọc Ánh.- Tr. 45-50.

Tóm tắt: Ngô Thì Nhậm là một nhà chính trị hoạt động lỗi lạc, một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam thời kỳ biến loạn lịch sử nửa cuối thế kỷ XVIII. Ở Ngô Thì Nhậm nổi lên tư tưởng nhập thế tích cực gắn liền với triết lý xử thế mang tầm phương pháp luận triết học. Đó là triết lý xử thế “đúng lý”, “hợp thời”, “phải nghĩa” – triết lý đã giúp ông có những quyết định chính trị dũng cảm và sáng suốt trên cơ sở nhận rõ thời thế và đại nghĩa dân tộc, lấy lợi ích của nhân dân, đất nước làm cơ sở. Trong bài viết này, tác giả đã tập trung phân tích, luận giải và làm rõ cơ sở lý luận triết học và nội hàm của các khái niệm trong triết lý xử thế của Ngô Thì Nhậm.

TRAO ĐỔI Ý KIẾN

  • Mấy vấn đề lý luận về hoạt động thẩm mỹ/ Nguyễn Thu Nghĩa.- Tr. 51-57.

Tóm tắt: Hoạt động thẩm mỹ là một bộ phận cấu thành hoạt động sống của con người, là yếu tố không thể thiếu của đời sống xã hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Bài viết trình bày một số vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động thẩm mỹ, như: Khái niệm, nguồn gốc, đặc trưng và bản chất của hoạt động thẩm mỹ.

NGHIÊN CỨU VÀ HỌC TẬP

  • John Dewey – Nhà triết học giáo dục trong chủ nghĩa thực dụng Mỹ/ Nguyễn Thị Luyện.- Tr. 58-64.

Tóm tắt: Bài viết không chỉ nêu bật vai trò của John Dewey trong sự phát triển, phổ biến, vận dụng vào thực tiễn, mà qua đó, còn làm sáng tỏ một hình ảnh khác của John Dewey – nhà sư phạm, nhà triết học giáo dục đã có công lớn trong việc định hình triết lý giáo dục đầy tính nhân văn, mà đến nay, giá trị của nó vẫn tiếp tục được phát huy trong điều kiện mới.

  • Phát triển nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay/ Lê Tuấn Ngọc .- Tr. 65-70.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả đã phân tích thực trạng nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nguồn lực cho khu vực này, cụ thể như sau: 1) Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn lực con người phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh trong khu vực; 2) Phát triển giáo dục – đào tạo, coi trọng đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nghề; 3) Có chính sách hợp lý về tuyển dụng, sử dụng nguồn lực con người; 4) Đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo tiền đề vật chất cho phát triển nguồn lực con người.

  • Sở hữu đất nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới và một số vấn đề đặt ra hiện nay/ Nguyễn Thị Hoài.- Tr. 71-78.

Tóm tắt: Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, các chủ trương, chính sách về sở hữu đất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước ta có sự đổi mới căn bản và liên tục được điều chỉnh theo hướng tích cực, thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988, Luật Đất đai năm 1993,… với những chủ trương, chính sách mới này, người nông dân đã thực sự được giao quyền sử dụng đất, được tự chủ trong tổ chức quản lý sản xuất, được hưởng và toàn quyền định đoạt sản phẩm lao động do mình làm ra. Nhờ đó, các nguồn lực của nền sản xuất nông nghiệp đã được giải phóng mạnh mẽ và khai thác hiệu quả, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề mới liên quan đến sở hữu đất nông nghiệp đòi hỏi được nhận thức đứng đắn và giải quyết hiệu quả.

  • Đóng góp của Phật giáo đối với phát triển bền vững trên các lĩnh vực: Đạo đức, Văn hóa – Nghệ thuật, Phong tục, Tập quán, Giáo dục và Từ thiện xã hội ở Việt Nam hiện nay/ Phạm Thanh Hằng.- Tr. 79-86.

Tóm tắt: Trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn liền với giao lưu và mở rộng quan hệ quốc tế, vai trò của Phật giáo đối với việc duy trì sự phát triển bền vững là hết sức to lớn. Trong bài viết này, tác giả đã khái quát những đóng góp của Phật giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay trên một số lĩnh vực tiêu biểu như đạo đức, văn hóa – nghệ thuật, phong tục tập quán, giáo dục và từ thiện xã hội.

  • Hội thảo quốc tế Hàn – Việt: “Tư tưởng của các nhà Nho tiêu biểu của Hàn Quốc và Việt Nam”/ Phan Thị Thu Hằng.- Tr. 87-88.

CÁC TIN KHÁC